Những tiền đề để suy tư

 

Những tiền đề để suy tư

Ai ngại đọc, xin mời nghe qua video: https://youtu.be/fZhdrCK4DxA

Trước hết, tôi xin xác định một số nét căn bản làm nền tảng cho suy tư của tôi.

I. Về nhận thức luận:

Điều căn bản nhất chi phối cách suy tư của tôi là suy tư theo nhận thức luận động (dynamic epistemology). Nhận thức luận này được xây dựng trên vũ trụ quan động (dynamic cosmology), khác với cách suy tư theo nhận thức luận tĩnh (tức static epistemology) được xây dựng trên vũ trụ quan tĩnh [*]

[*] Nhận thức luận tĩnh hay vũ trụ quan tĩnh được xây dựng ít nhất trên 3 nguyên lý căn bản này:

1. Nguyên lý đồng nhất (principle of identity) được phát biểu là «Mọi vật đều đồng nhất với chính nó», nói khác đi: A là A.

2. Nguyên lý mâu thuẫn (principle of contradiction): được phát biểu như sau «Khi hai mệnh đề mâu thuẫn nhau, nếu mệnh đề này đúng thì mệnh đề kia phải sai, và ngược lại», nói khác đi: A đúng thì “không A” phải sai; còn A sai thì “không A” phải đúng.

3. Nguyên lý triệt tam (principle of excluded middle): được phát biểu «Bất kỳ mệnh đề nào, hoặc đúng, hoặc sai (tức không đúng), chứ không có trường hợp thứ ba», nói khác đi: hoặc A đúng, hoặc “không A” đúng, chứ không có trường hợp cả hai đều đúng, hay cả hai đều không đúng..

Ngoài ra, Nhận thức luận động quan niệm thực tại thì đa diện và thường biến động, tức thay đổi trong thời gian. Vì thế nhận thức luận động không chấp nhận 3 nguyên lý trên của nhận thức luận tĩnh.

1. Về nguyên lý đồng nhất: nguyên lý này chỉ đúng trong vũ trụ quan tĩnh hay bất động mà thôi, nghĩa là nguyên lý này đã không quan tâm đến yếu tố thời gian. Nói khác đi, A chỉ là A trong cùng một thời điểm, còn trong hai thời điểm khác nhau thì A không còn là A nữa. Thật vậy, với thời gian, quả trứng sẽ không còn là chính nó, mà sẽ trở thành con gà.

2. Về nguyên lý mâu thuẫn và triệt tam: hai nguyên lý này chỉ đúng với những thực tại một mặt, không thể đúng với những thực tại nhiều mặt. Thật vậy, trước một cái chén/bát, người nói nó lõm và người nói nó lồi (tức không lõm) đều đúng như nhau.

Nhận thức luận động này đã được Giáo Hội, qua Công đồng Vatican II nhắc đến và coi đó là một nhận thức luận tiến hoá hơn. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng đã viết: «Từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn» (Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 5§3). Tuy nhiên, cho tới nay, thì quan niệm động này chưa được phổ biến, thậm chí chưa được biết đến nơi khá nhiều vị lãnh đạo tôn giáo.

Vì thế, khi quan niệm thực tại thì đa diện và biến động, tôi có thể chấp nhận hai quan điểm mâu thuẫn nhau đều có thể cùng đúng, đồng thời chúng có thể bổ túc lẫn nhau để tôi có được một cái nhìn toàn diện hơn. Tương tự như khi nhận định về một cái chén/bát, người nhìn được toàn diện không nói: nó chỉ lõm (tức không lồi), hay chỉ lồi (tức không lõm), mà nói nó vừa lồi vừa lõm. Hay khi nhiều người nhìn thấy cùng một con kỳ nhông, người nói nó màu vàng, người nói nó màu xanh, người nói nó màu đỏ. Người theo nhận thức luận tĩnh sẽ cho rằng: ắt nhiên chỉ có một người nói đúng, còn mấy người kia đều nói dối. Nhưng người theo nhận thức luận động, với cái nhìn toàn diện hơn, sẽ cho rằng tất cả 3 người đều nói thật, vì họ thấy chính con vật ấy vào những thời điểm khác nhau, vì loại kỳ nhông thường biến đổi màu sắc tùy theo môi trường hay hoàn cảnh vào mỗi thời điểm.

Chính vì thế, về mặt tâm linh tôn giáo, tôi quan niệm Thiên Chúa (mà tôi thường gọi là «Thực tại Tối Hậu») chắc chắn không phải là một thực tại đơn diện, nên có thể có nhiều phát biểu khác nhau về Ngài, thậm chí mâu thuẫn nhau, mà đều đúng cả. Điều đó không có nghĩa là MỌI phát biểu về Ngài đều đúng.

II. Quan điểm về tình trạng nhiều tôn giáo

Tôi sinh ra trong một gia đình Công giáo đạo gốc, và từng học triết lý và thần học trong một đại chủng viện Công giáo. Do không thoả mãn với nhận thức luận tĩnh được dạy trong chủng viện, tôi xuất tu để có thể tự do và dễ dàng dành nhiều thời gian cho việc tìm hiểu quan điểm về Thực Tại Tối Hậu nơi một số các tôn giáo khác như Phật giáo, Đạo giáo, Ấn giáo, Cao Đài giáo, Phật giáo Hoà Hảo, v.v... Tôi nhận thấy các tôn giáo này có khuynh hướng nhận thức luận động. Điều đó không có nghĩa là những người theo các tôn giáo ấy đều có nhận thức luận động cả đâu, vì nhận thức luận này khó nắm bắt hơn nhận thức luận tĩnh [*].

[*] Phải nói rằng nhận thức luận tĩnh thì dễ hiểu hơn nhận thức luận động, tương tự như hình học phẳng (với 2 chiều: dài và rộng) thì dễ hiểu hơn hình học không gian (với 3 chiều: dài, rộng và cao), rồi hình học không gian tĩnh (với 3 chiều) thì dễ hiểu hơn hình học không gian động (với 4 chiều: vì thêm chiều thời gian vào nữa), và hình học không gian 4 chiều dễ hiểu hơn hình học không gian n chiều. 

Từ việc so sánh các loại hình học trên, tôi suy ra rằng suy tư hay nhận thức cũng có nhiều cấp độ khác nhau. Người ở cấp độ thấp thì không sao hiểu được suy tư của người ở cấp độ cao. Chẳng hạn, khi đọc những sách về thuyết Tương Đối của Einstein, thú thật là tôi chẳng hiểu gì cả. Một học sinh lớp 6 lớp 7 mà nghe ông giáo sư lớp 12 giảng về vi phân, tích phân thì chỉ như «vịt nghe sấm». Nghĩ tới đây, tôi liên tưởng đến việc Phật nói về nhiều chủng loại trí tuệ khác nhau. Chẳng hạn con sư tử thì khôn hơn con chó (cho dù con chó già vẫn khôn hơn con sư tử con), và con người thì khôn hơn con sư tử (cho dù con sư tử già thì vẫn khôn hơn một đứa trẻ 1, 2 tuổi). Khả năng suy tư hay nhận thức nơi con người cũng có những cấp độ khác nhau tương tự như thế. Nghĩa là có những người chỉ có thể phát triển trí tuệ tới mức A, trong khi người khác thì có thể tới mức B, hoặc C, v.v... Chẳng hạn tôi có cố gắng học hành cách mấy thì cũng không thể phát triển về khoa học hay toán học cho bằng Albert Einstein hay Stephen Hawking được.

Vì thế, những triết gia với nhận thức luận tĩnh khi tiếp xúc với những hệ tư tưởng theo nhận thức luận động thì dễ cho rằng hệ thống này là mù mờ, mơ hồ, phi triết lý… vì nó có những mâu thuẫn mà với những nguyên lý của nhận thức luận tĩnh thì họ cho là phi lý, không chấp nhận được. Với nhận thức luận tĩnh ấy, nhiều triết gia đã nhận định rằng Đông Phương không có triết học.

Phải nói rằng nhận thức luận tĩnh rất phù hợp với cách suy tư của đại đa số quần chúng, kể cả một số vị lãnh đạo trong các tôn giáo vốn có khuynh hướng nhận thức luận động, vì nhận thức luận tĩnh tương đối dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn.

Do nghiên cứu kinh điển các tôn giáo khác đồng thời đem ra thực hành trong đời sống, tôi nhận thấy các tôn giáo khác cũng rất hữu lý và cao siêu. Vì thế, tôi đã dành nhiều thời gian để suy xét và tìm sự thật từ những kinh điển của các tôn giáo mà nhân loại tin tưởng là nguồn của sự khôn ngoan và hiểu biết, trong đó có Thánh Kinh Kitô giáo và kinh điển của các tôn giáo khác [*].

[*] Tâm lý chung của hầu hết mọi người là cho suy nghĩ của mình là đúng. Một khi đã cho mình là đúng, thì với nhận thức luận đơn diện và với nguyên lý mâu thuẫn, họ phải kết luận rằng ai nghĩ khác với mình là sai. Cũng vậy đối với tín đồ các tôn giáo, rất nhiều người một khi đã cho tôn giáo hay giáo phái mình là đúng, thì họ phải đi đến kết luận rằng những tôn giáo hay giáo phái khác với tôn giáo mình là sai. 

Còn người theo nhận thức luận đa diện thì quan niệm các tôn giáo khác nhau có thể đều đúng, nhưng chỉ đúng một phần, hoặc có thể đúng hơn, hợp lý hơn một tôn giáo khác, chứ không phải đúng toàn diện,. Do đó, các tôn giáo có thể bổ túc lẫn nhau để có một cái nhìn toàn diện hơn về những thực tại siêu hình và siêu nghiệm. Vì thế, các tôn giáo nên trao đổi và tìm hiểu lẫn nhau để bổ túc quan điểm còn phiến diện của nhau.

Thật vậy, trước khi từ giã các môn đệ để chịu tử hình, Đức Giêsu từng nói với các ông những lời sau cùng như những trối trăng, trong đó có câu: «Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi» (Gioan 16:12). Đức Phật cũng nói với các đồ đệ mình những lời với ý nghĩa tương tự đại để như sau: «Những điều ta đã dạy anh em chỉ như nắm lá trong tay ta, còn những điều ta biết mà chưa dạy thì nhiều như lá trong rừng» (Kinh Tạp A Hàm, Phẩm 404). Như vậy thì đâu phải các vị giáo chủ đều đã nói hết những gì cần nói, lý do là vì trình độ các đệ tử của các ngài khi ấy không thể lãnh hội nhiều hơn và cao hơn được. Tương tự như một tiến sĩ toán khi dạy toán cho bậc tiểu học hay trung học, đâu thể truyền thụ hết kiến thức về toán của mình cho học sinh được.

Như vậy thì hai tôn giáo nói trên, tức Kitô giáo và Phật giáo, làm sao có thể tự hào rằng giáo chủ của mình đã chỉ bảo hết mọi điều về Chân Lý Tối Thượng? Đó là chưa kể đến việc liệu chúng ta có hiểu được lời của các ngài đúng với ý mà các ngài muốn bày tỏ không. Thật vậy, cùng đọc duy nhất một lời nào đó của các ngài, mà mỗi giáo phái lại hiểu khác nhau ý của các ngài. Vậy lấy tiêu chuẩn nào để xác định giáo phái nào hiểu đúng? Các tôn giáo khác hẳn nhiên cũng vậy thôi. Tại sao ta không nghĩ được rằng các tôn giáo với những giáo lý khác biệt nhau có thể bổ túc lẫn nhau? Tín đồ tôn giáo nào cũng nghĩ rằng tôn giáo mình là trọn vẹn hết cả rồi thì cũng như một cái ly đầy ắp nước, đâu thể lãnh hội thêm được điều gì!

III. Luật đa dạng và khác biệt trong vũ trụ

Tôi nhận thấy luật đa dạng và khác biệt là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã thiết lập theo bản tính của Ngài mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Ngài là một Thiên Chúa gồm Ba Ngôi khác biệt nhau. Sự khác biệt giữa Ba Ngôi có tính bổ túc lẫn nhau chứ không phải xung đột lẫn nhau, mà còn hoà hợp với nhau để trở thành một Thiên Chúa duy nhất. Với bản tính đa dạng, Ngài đã sinh ra một vũ trụ cũng vô cùng đa dạng gồm vô số thực thể khác biệt nhau: nhiều loài, nhiều loại, nhiều giống, nhiều thứ, nhiều lãnh vực, nhiều môi trường, cảnh giới khác biệt nhau. Ngay trong một loài, một loại, một thứ cũng gồm vô số thực thể khác biệt nhau, chẳng một thực thể nào hoàn toàn giống nhau cả. Cho nên tôi nhận thấy sự đa dạng và khác biệt trong mọi loài mọi vật đều nằm trong ý muốn và quy luật của Ngài.

Nhân loại gồm nhiều dân tộc, nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa, văn minh, nhiều ngôn ngữ, nhiều tôn giáo... khác nhau. Chắc chắn sự đa dạng hay khác biệt ấy không nằm ngoài ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, lương tri tự nhiên mà Thiên Chúa ban cho tôi không thể chấp nhận được rằng chỉ có một tôn giáo duy nhất là do Thiên Chúa lập nên, và chỉ có người theo tôn giáo ấy mới có thể đạt được cứu cánh mà Thiên Chúa muốn dành cho mọi người không trừ ai [*].

[*] Trong một cơn đại dịch có thể tiêu diệt cả một dân tộc hay một quốc gia, một công ty dược đã sáng chế thành công một thứ thuốc hay vắc-xin ngăn chặn hữu hiệu dịch bệnh đang lây lan rất mạnh. Liệu chính phủ nước ấy có khôn ngoan không, khi chỉ cấp quyền phát loại thuốc hay vắc-xin ấy cho một hãng thuốc duy nhất, trong khi chỉ 1/3 dân chúng mới có thể đến hãng ấy để lãnh thuốc, thay vì cấp quyền phát loại thuốc ấy cho tất cả mọi hãng thuốc có uy tín để ai cũng có thể đến nhận thuốc được?

Theo lương tri tự nhiên của tôi, thì sự đa dạng hay khác biệt là vô cùng cần thiết để con người vốn bất toàn có thể bổ túc lẫn nhau mà tồn tại, phát triển và hạnh phúc. Chẳng hạn trong một xã hội, phải có người làm thầy nhưng cũng vô cùng cần thiết phải có vô số người làm thợ. Nếu ai cũng là thầy cả thì ai thực hiện những sáng tạo của những vị thầy kia; hay nếu ai cũng là thợ cả thì ai sẽ hướng dẫn họ làm việc này việc kia. Trong xã hội phải có đủ mọi nghề nghiệp khác nhau thì xã hội ấy mới tồn tại và phát triển được. Các giới với nghề nghiệp khác nhau như sĩ, nông, công, thương, binh, v.v... đều nương nhau mà tồn tại và phát triển, chỉ cần thiếu một giới thôi thì xã hội liền trở nên què quặt, khó tồn tại và phát triển.

Thiên Chúa (hay Thực Tại Tối Hậu) là một thực tại không chỉ siêu việt mà còn siêu nghiệm nữa. Siêu nghiệm là vượt khỏi mọi kinh nghiệm nghèo nàn của con người, vượt khỏi mọi khả năng diễn tả của ngôn ngữ con người. Các mầu sắc (như trắng, đỏ, vàng, xanh, v.v...) là những gì rất cụ thể mà ai có đôi mắt bình thường đều dễ cảm nghiệm được, nhưng những màu sắc ấy lại hoàn toàn là siêu nghiệm đối với những người mù bẩm sinh. Vì thế tôi hoàn toàn đồng ý với Lão Tử khi ông viết: «Đạo khả đạo, phi Thường Đạo». Tôi hiểu câu ấy như sau: Đạo [tức Thực Tại Tối Hậu] mà có thể diễn tả được bằng ngôn ngữ con người, thì không phải là Đạo thật sự nữa [*]. 

[*] Khi dùng ngôn ngữ con người để diễn tả về Thiên Chúa sao cho dễ hiểu đối với con người, không khéo chúng ta lại tạo ra một Thiên Chúa theo hình ảnh của mình. Tình trạng này khiến nhà thơ Maurice Maeterlinck đã phải thốt lên: «Tôi tin Vị Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài, nhưng không tin được vị Thiên Chúa do con người dựng nên theo hình ảnh của họ».

Nhưng vì nhu cầu phải diễn tả Đạo bằng ngôn ngữ con người, nên ta phải nghĩ rằng cách diễn tả nào cũng chỉ là «tạm diễn tả như thế» để mọi người «tạm hiểu như thế», chứ không phải diễn tả như thế là hoàn toàn «như thị», nghĩa là «đúng thực là như vậy» đâu! (exactly as it is / vraiment comme tel qu’il est) [*].

[*] Tương tự như không ai biết được mặt mũi Chúa Giêsu hay Đức Maria thế nào, nhưng con người có nhu cầu cụ thể hoá các Ngài bằng hình tượng, nên các hoạ sĩ hay những nhà điêu khắc liền vẽ hình hay tạc tượng các Ngài với một khuôn mặt nào đó mà họ nghĩ là thích hợp nhất. Khuôn mặt của mỗi hình mỗi tượng của các nghệ nhân ấy thường khác nhau, nhưng dù khác nhau vẫn được mọi người coi là hình hay tượng của Chúa Giêsu hay Đức Mẹ. Thật là ngờ nghệch và buồn cười khi có một hoạ sĩ hay nhà điêu khắc nào quả quyết 100% rằng hình hay tượng của anh ta mới chính là khuôn mặt đích thực của các Ngài, rồi chê bai những khuôn mặt của những hình tượng khác là sai, là không trung thực.

Sự đa dạng hay khác biệt giữa các tôn giáo chính thống trên thế giới, tôi chắc chắn không thể nằm ngoài ý muốn của Thiên Chúa. Đức Giêsu từng nói: «Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em» (Mátthêu, 10:29-30). Như vậy chẳng lẽ sự xuất hiện của các tôn giáo lớn trên thế giới được hàng triệu người theo lại nằm ngoài thánh ý của Thiên Chúa sao? Tôi nghĩ rằng sự đa dạng của các tôn giáo cũng tương tự như sự đa dạng của các nghề nghiệp khác nhau trong xã hội. Các tôn giáo cần bổ túc lẫn nhau để có thể hiểu được trọn vẹn hơn thực tại siêu nghiệm và vô cùng cao siêu, phong phú là Thiên Chúa [*].

[*] Đức Phật đã đưa ra một minh hoạ rất hay về những ông mù rờ voi. Ông nào cũng xác định chắc chắn 100% con voi giống như thế này, hay như thế kia, vì chính mình đã rờ vào con voi chứ đâu phải nghe ai nói rồi thuật lại đâu. Nhưng người sáng mắt thì nhận thấy ông nào nói cũng đúng cả, nhưng chỉ đúng được một phần nhỏ thôi, vì con voi gồm tất cả những gì các ông rờ thấy hợp lại.

Thiên Chúa là một thực tại vô hình vô tướng, và phong phú đa dạng gấp tỷ lần bất cứ một thực tại nào mà con người có thể thấy hay cảm nghiệm được. Lẽ nào một tôn giáo có thể tự hào rằng chỉ một mình mình là nắm bắt được thực tại vô cùng phong phú và siêu nghiệm ấy, đồng thời phủ nhận những nhận định của các tôn giáo khác?

Thiên Chúa (hay Thực Tại Tối Hậu) là một trí tuệ siêu việt, Ngài khôn ngoan hay hiểu biết gấp triệu lần sự khôn ngoan của toàn thể con người cộng lại. Do đó, không một lời nói hay việc làm nào của Ngài là vô lý hay thiếu khôn ngoan cả. Vì thế, khi đọc các kinh điển nói về Ngài, nếu có lời nào khi hiểu theo nghĩa đen mà thấy rõ ràng là Ngài không khôn ngoan, ắt ta phải hiểu lời ấy theo một ý nghĩa khác hợp lý hơn.

Khi dựa vào một lời nào đó trong Kinh thánh để xác định rằng «ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ» (tiếng la tinh là “Extra Ecclesia nulla salus”) thì ta cần suy nghĩ bằng lương tri tự nhiên xem, liệu xác định như thế có hợp lý không? Nếu chỉ tin vào Đức Giêsu mới được ơn cứu độ, thì tại sao Đức Giêsu lại đến thế giới này quá trễ như vậy? Ngài đến sau khi Vệ Đà giáo xuất hiện ở Ấn Độ khoảng 6 đến 7 thế kỷ, đến sau Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo khoảng 5 đến 6 thế kỷ. Những tôn giáo ấy có những triết lý và hướng dẫn tâm linh rất thâm sâu. Một khi những tôn giáo có khả năng giáo hoá này đã phát triển rất mạnh, đã được nhiều dân tộc đánh giá cao và tôn sùng, và đã trở thành những tôn giáo lớn rồi, thì làm sao những tín đồ tôn giáo ấy có thể dễ dàng theo Kitô giáo đến sau quá lâu như vậy được? Tôi không thể chấp nhận được rằng, nếu việc tin vào Đức Giêsu là thật sự cần thiết để được cứu rỗi mà Thiên Chúa lại để Đức Giêsu đến trễ như vậy. Ngài không thể thiếu khôn ngoan như vậy được! Do đó, phải hiểu câu Kinh thánh nói trên theo một ý nghĩa khác, chứ không thể hiểu theo hướng chỉ có ai theo Kitô giáo mới được cứu độ. Người có một cái tâm đầy yêu thương noi theo bản chất yêu thương của Thiên Chúa, quả thật, không thể chấp nhận một lối giải thích lời Chúa thiếu bao dung như thế được! [*]

[*] Điều tôi lấy làm lạ, đó là nhiều tôn giáo tin Thượng Đế là Đấng Thượng Trí, khôn ngoan và yêu thương con người vô cùng, nhưng họ lại có thể tin được rằng chính vị Thượng Đế ấy có thể làm những việc phi lý, thiếu khôn ngoan và tàn ác, như phạt một tạo vật hữu hạn về nhiều mặt bằng một loại đau khổ tột cùng và vô hạn được. Ông Lâm Ngữ Đường, một nhân sĩ nổi tiếng của Trung Hoa, từng viết đại khái rằng: Tôi không cần Thượng Đế yêu thương tôi vô cùng, chỉ cần Ngài yêu thương tôi bằng nửa tình thương mà mẹ tôi dành cho tôi thôi, thì tôi đã chắc chắn rằng Ngài không thể phạt tôi bằng một hình phạt kinh khủng và vô hạn như vậy được, cho dù tôi có phạm tội lớn tới đâu.

Tôi nghĩ không thể cắt nghĩa hay giải thích bất kỳ một câu nào trong kinh điển của các tôn giáo, của các vị giáo chủ, mà nó dẫn đến một điều phi lý, thiếu khôn ngoan hay thiếu tình thương, cho dù theo nghĩa đen của nó thì phải hiểu như vậy. Tôi đặt rất nặng giá trị về chân lý và đạo đức của các kinh điển tôn giáo. Nhưng tôi không bao giờ tuyệt đối hoá những gì được viết trong đó, vì không phải chính các vị giáo chủ viết ra những lời ấy, mà do các môn đồ, đệ tử của các ngài nhớ và ghi lại, có khi cả trăm hay vài trăm năm sau mới ghi lại. Và cũng không hẳn do chính những môn đồ của các ngài ghi lại, mà có thể là các đệ tử của những môn đồ ấy ghi lại những lời truyền khẩu. Việc «tam sao thất bản» là chuyện khó có thể tránh được. Do đó, ta phải chắc chắn 100% rằng những lời nào mà theo nghĩa đen khiến ta hiểu rằng Thượng Đế hay các vị giáo chủ thiếu khôn ngoan hay thiếu tình thương, thì lời ấy hoặc không phải là của các ngài, hoặc chúng ta phải hiểu lời ấy theo một cách khác hợp lý hợp tình hơn [*].

[*] Ngôn ngữ con người trong hầu hết các dân tộc đều có hiện tượng «ý tại ngôn ngoại», nghĩa là ý của người nói khác với nghĩa của câu nói. Chẳng hạn mấy ông bố người Việt Nam hay nói với con những câu như: «Con không học bài là bố đánh chết đấy!», «Con không chịu học hành thì về sau chỉ có nước đi ăn mày!». Những câu như thế không thể hiểu theo nghĩa đen được. Trong kinh điển tôn giáo có những câu không thể hiểu theo nghĩa đen như: «Ai trì chú câu này thì sẽ được vô lượng công đức», hay «hằng hà sa số» tức «nhiều như cát sông Hằng», hay «con cháu đông như sao trên trời, cát dưới biển», hay như «có đức tin bằng hạt cải thì có thể chuyển núi dời non», hay như «người giàu có khó vào nước Trời hơn con lạc đà chui qua lỗ kim» hay nói về hình phạt cho kẻ ác rằng «nơi đó thì giòi bọ không hề chết, lửa không hề tắt», v.v...

Tôi nhận thấy trong thế gian này, mọi người, mọi vật, mọi sự, dường như không một người nào, vật nào, sự nào hoàn hảo cả. Câu «nhân vô thập toàn» dường như không chỉ áp dụng cho con người, mà cho tất cả mọi thực tại trong trần thế này. Thực tại nào cũng «được mặt này thì lại mất mặt khác», nhờ thế mọi người, mọi vật mới cần lẫn nhau, và nhờ cần lẫn nhau mới hợp tác với nhau và yêu thương nhau.

Tôi chỉ tin chắc chắn một điều rằng: chỉ có Thiên Chúa hay Thượng Đế (tức Thực Tại Tối Hậu) mới hoàn hảo thôi. Vì thế, tôi chẳng cho bất kỳ tôn giáo nào là hoàn hảo cả. Nghĩa là tôn giáo nào cũng đều «được mặt này, mất mặt khác» để các tôn giáo bổ túc lẫn nhau hầu có được một quan niệm về Thiên Chúa hay Thực tại Tối Hậu tương đối hoàn chỉnh và toàn diện hơn.

Về Thiên Chúa hay Thực Tại Tối Hậu, tôi xin dành một bài khác để đặc biệt nói về quan điểm của tôi.

Nguyễn Chính Kết

Comments

Popular posts from this blog

Audio Thanh Kinh Tin Lanh

Thánh Kinh Công giáo

Thanh Kinh Tin Lanh