Lập trường của cha Raimon Panikkar về tình trạng đa tôn giáo trên thế giới

 

Lập trường của cha
Raimon Panikkar
về tình trạng đa tôn giáo trên thế giới

Tình trạng đa tôn giáo trên thế giới là một thực tại rõ ràng không thể chối cãi. Theo quan điểm của nhiều giáo phái Kitô giáo, thì người không tin vào Đức Giêsu Kitô thì chắc chắn không thể được cứu rỗi. Nhưng quan điểm ấy không phải luôn luôn hữu lý. Nếu như thế thì tại sao Thiên Chúa lại để Đức Giêsu đến trần gian này quá trễ, sau Đức Phật, Đức Khổng, v.v... cả 4 đến 5 thế kỷ. Các tôn giáo lớn như Ấn giáo, Phật giáo, Đạo giáo… đã phát triển và lớn mạnh trước khi Kitô giáo xuất hiện. Nói chung, một khi người ta đã tin chắc chắn vào một tôn giáo nào đó, thì tôn giáo đến sau không phải dễ dàng gì thay thế niềm tin của họ. Việc các tôn giáo đến trước Kitô giáo chắc chắn không thể ngoài ý muốn của Thiên Chúa, khi mà Đức Giêsu xác định rõ ràng: «hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi» (Mt 10:29-30). Nếu đó không phải là ý muốn của Thiên Chúa, thì việc Ngài để Đức Giêsu đến quá trễ sau các giáo chủ tôn giáo khác quả là thiếu khôn ngoan. Mà Ngài thì không thể thiếu khôn ngoan!

Để giải đáp vấn nạn trên, chúng ta có Linh mục Raimon Panikkar (1918-2010), ngài có cha là người Ấn và mẹ là người Tây Ban Nha. Ngài thuộc Giáo Hội Công giáo La Mã, là người đề xướng việc đối thoại liên tôn giáo, và chuyên nghiên cứu về việc đối chiếu các tôn giáo (comparative religions). Ngài đại diện điển hình và xứng đáng nhất cho chủ trương «Đức Kitô cùng với các tôn giáo».

Chúng ta thử tìm hiểu lập trường của Linh mục Raimon Panikkar và cách ngài giải đáp vấn nạn trên.

Linh mục Raimon Panikkar  (1918-2010)

Phân biệt giữa Đấng Kitô phổ quát và Đức Giêsu cá biệt

Theo cha, không tôn giáo nào có thể tham dự đối thoại nếu ngay từ đầu tôn giáo đó quả quyết rằng mình là mẫu mực chuẩn xác cho tất cả các tôn giáo khác. Hẳn nhiên các tôn giáo khác sẽ cho đó là một lập trường kiêu hãnh, đầy tự mãn. Lập trường «khó chơi» này sẽ dập tắt tất cả mọi cuộc đối thoại, mọi thiện chí đối thoại. Và nếu có lập trường dứt khoát như thế, thì trong cuộc đối thoại, chỉ có truyền giáo chứ không có đối thoại đúng nghĩa.

Hiện nay, thế giới đang chuyển biến đòi buộc phải giải thích lại cách hiểu cổ truyền về tính duy nhất và phổ quát của Đấng Kitô. Vì thế, cha Panikkar đề nghị phải phân biệt giữa Đấng Kitô phổ quát và Đức Giêsu cá biệt.

Chỉ có một Đấng Kitô phổ quát duy nhất

Theo cha Panikkar, Đấng Kitô là «một biểu tượng sống động của toàn thể thực tại: con người, thần linh và vũ trụ». Ngài là trung tâm của thực tại, là điểm kết tinh để con người, thần linh và vật chất có thể xoay quanh đó mà phát triển. Ngài là sự duy nhất sinh động của Thiên Chúa, con người và thế giới. Ngài là LỜI (logos), là hiện thân Đấng Tối Hậu, là sự thông ban Đấng Tối Hậu, là «hành vi lịch sử của Chúa Quan Phòng đang thôi thúc nhân loại qua nhiều đường nẻo khác nhau, đưa đời sống con người tới chỗ viên mãn». Chỉ có một Đấng Kitô duy nhất, là tư tế với chức tư tế vũ trụ, soi sáng và thôi thúc khắp nơi, trong tất cả mọi dân tộc và mọi nền văn hóa (xem RAIMON PANIKKAR, The Unknown Christ of Induism, Orbis books,1981, p.27).

Đấng Kitô phổ quát đã trở thành Đức Giêsu cá biệt

Đấng Kitô – Ngôi Lời – này, Đấng vĩnh cửu và phổ quát này đã nhập thể thành Đức Giêsu Nazarét. Nhưng sự nhập thể này không phải là sự nhập thể duy nhất và chuẩn mực. Trong những năm gần đây, cha Panikkar xác nhận rằng không có một cái tên lịch sử nào có thể được coi là tên cuối cùng của Đấng Kitô. Đấng này không thể được cụ thể hóa hay hiện thực hóa trong một nhân vật chỉ có tính cách lịch sử, đến nỗi trên dương gian này ta sẽ không bao giờ biết Đấng Kitô hoàn toàn đầy đủ cả. Và Đấng Kitô phổ quát ấy đã trở thành cụ thể nơi Đức Giêsu, và đối với các Kitô hữu, Đức Giêsu ấy chính là hình ảnh tối hậu của Đấng Kitô đó. Đó là điều mà mọi Kitô hữu phải cương quyết khẳng định. Họ phải tin vững chắc rằng ơn cứu độ của mình là do Ngài.

Đấng Kitô còn có những danh hiệu khác

Nhưng nếu Đức Giêsu chính là Đấng Kitô, thì điều đó không có nghĩa là Đấng Kitô chỉ là Đức Giêsu. Trong lịch sử, nơi những nền văn hóa khác, cụ thể là trong kinh điển của các tôn giáo khác, Đấng Kitô có thể được gọi bằng nhiều danh hiệu khác như Rama, Krishna, Isvara, Purusha, Tathagata… Nhưng không vì thế mà Đức Giêsu cá biệt kia không còn luôn luôn cần thiết và thích đáng nữa.

Quan điểm của cha Panikkar ngược với Kinh Thánh?

Quan điểm của cha Panikkar tuy có thể chấp nhận được đối với những người đã từng tìm hiểu sâu xa các tôn giáo hay những người đã từng đối thoại nhiều với các tôn giáo khác, nhưng rất khó chấp nhận đối với các Kitô hữu có đức tin truyền thống, nhưng không biết nhiều và tương đối chính xác về các tôn giáo khác. Vì nhiều chỗ trong Kinh Thánh xác định sự duy nhất của Đức Giêsu. Chẳng hạn như:

- «Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô» (1Tm 2:5).

- «Dưới gầm trời này, không một danh nào khác được ban cho nhân loại để chúng ta nhờ đó mà được cứu độ» (Cv 4:12).

Như vậy, nếu cứ hiểu theo nghĩa đen của Kinh Thánh thì lập trường của cha Panikkar khó đứng vững.

Có nên hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen?

Nhưng chấp cứng vào nghĩa đen của Kinh Thánh và coi lời Kinh Thánh là tuyệt đối, bất di bất dịch, có phải là thái độ đúng đắn nhất không? Vì: nếu hiểu theo nghĩa đen lời Đức Kitô: «Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được» (Mt 5:18) được nói trong bối cảnh Do Thái giáo, thì ắt nhiên Luật Môsê (tức Lề Luật) sẽ còn phải được giữ mãi đến tận thế. Nhưng thực ra, chỉ sau khi Chúa Giêsu về trời một thời gian ngắn, các Tông Đồ đã bãi bỏ Lề Luật này (xem Cv 15, đặc biệt 15:1-2.19-20.28-29). Làm sao có thể hiểu theo nghĩa đen lời Thiên Chúa hứa cho Abraham rằng con cháu ông sẽ đông như sao trên trời, cát dưới biển? (x. St 15:5). Chính vì hiểu theo nghĩa đen và tuyệt đối hóa lời dạy của Kinh Thánh (x. Gs 10:12-14) mà các phán quan thời Trung Cổ đã nhất quyết cho rằng mặt trời phải quay chung quanh trái đất, nên đã thiêu sống oan linh mục Bruno và kết án chung thân thật bất công thầy dòng Galilêô.

Hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen có thể dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng

Chính vì hiểu một số câu Kinh Thánh theo nghĩa đen, mà nhiều giáo phụ, cũng như Luther, Calvin, và rất nhiều giáo phái Tin Lành cho rằng bản tính con người đã hoàn toàn hư hỏng, nên họ khinh rẻ phần tự nhiên trong con người, coi rẻ những nỗ lực tự nhiên của con người đóng góp vào việc cứu chuộc, và chỉ coi trọng những gì là siêu nhiên xuất phát từ Thiên Chúa mà thôi. Họ cho rằng mọi cố gắng tự nhiên của con người đều vô giá trị, thậm chí còn là tội lỗi nữa, nhất là khi dùng những cố gắng riêng của mình để tìm hiểu về Thiên Chúa, vì như thế là kiêu ngạo. Theo họ, nếu có gì tốt đẹp trong các tôn giáo khác, thì điều tốt đẹp ấy phải được gọi là xấu, là tội lỗi mới đúng.

Và cũng chính vì hiểu lời Kinh Thánh theo nghĩa đen mà người Do Thái xưa quan niệm Đấng Mêsia phải là người thuộc hoàng tộc, có vương quyền trần gian với binh hùng tướng mạnh, và sẽ mộ binh khởi nghĩa để cứu dân Do Thái khỏi ách thống trị của đế quốc Rôma. Từ đó họ đi đến một tai hại khủng khiếp là không thể chấp nhận «anh Giêsu nghèo hèn kia» chính là Đấng Mêsia phải đến. Và họ đã giết Ngài một cách thảm thương trên thập giá…

Như vậy, hiểu Kinh Thánh theo nghĩa đen đôi khi dẫn đến những tai hại nghiêm trọng. Và đó chính là điều mà Giáo Hội cũng như mọi Kitô hữu nên rút kinh nghiệm, để tránh những chuyện đáng tiếc tương tự như trên có thể xảy ra.

Làm sao giải thích… ?

Vậy, câu Kinh Thánh của Phaolô: «Chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Giêsu Kitô» (1Tm 2:5) hay câu «Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác được ban cho nhân loại để chúng ta nhờ đó mà được cứu độ» (Cv 4:12), phải được hiểu thế nào?

– Lập trường của cha Panikkar không có gì trái với tinh thần những câu Kinh Thánh này, vì cha chủ trương chỉ có một Đấng Kitô duy nhất phổ quát, không có hai, nhưng Đấng Kitô này đã mặc lấy nhiều hình thức cá biệt khác nhau trong suốt dòng lịch sử của nhân loại, trong những nền văn hóa khác nhau, tại nhiều nơi khác nhau. Đức Giêsu tại Do Thái chỉ là một hình thức cá biệt của Ngài. Trong câu Kinh Thánh Cv 4:12, chữ «danh» không chỉ có nghĩa là một tên gọi, vì trong văn hóa Do Thái, «danh» hay «tên» còn có nghĩa là chính bản thân người có tên ấy. Do đó, câu «không có một danh nào khác» (Cv 4:12) phải được hiểu là «không có một Đấng nào khác», và Đấng ấy chính là Đấng Kitô phổ quát, trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Tuy nhiên, Đấng Kitô không phải chỉ là Đức Giêsu ở Nazarét, mà Ngài có thể mặc lấy nhiều thân xác khác, trong những nền văn hóa khác. Tất cả những thân xác ấy chỉ là một Đấng Kitô duy nhất, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người.

Rút kinh nghiệm trong Cựu Ước

Hiểu như thế quả không có gì là quá đáng khi so sánh với cách hiểu hiện nay về lời Thiên Chúa hứa với Abraham là sẽ cho ông «sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời, và như cát ngoài bãi biển, không tài nào đếm được» (Dt 11:12). «Dòng dõi» ở đây không thể hiểu theo nghĩa thường hiểu là «con cháu theo máu mủ» (vì hiểu theo cách này thì rõ ràng cho tới nay lời hứa đó chưa được thực hiện), mà phải hiểu là «con cháu theo niềm tin». Thời Chúa Giêsu trở về trước, có lẽ không người Do Thái nào có thể chấp nhận được lối giải thích «trớ trêu» như thế. Nhưng lối «trớ trêu» ấy lại đúng, và lối «thường tình» kia ngờ đâu lại sai!

Hay làm sao người Do Thái thời Chúa Giêsu trở về trước lại có thể hiểu những lời tiên tri của các ngôn sứ về Đấng Mêsia như chúng ta hiểu hiện nay được? Cứ theo nghĩa đen của Kinh Thánh thì khi Đấng Mêsia tới, Ngài sẽ phải có binh hùng tướng mạnh để giải phóng Dân Ngài khỏi ách thống trị ngoại bang, đem lại vinh quang cho «Dân tộc riêng» của Ngài. Còn cách hiểu nào khác có thể chấp nhận được nữa? Nếu có ai giải thích cách nào khác – chẳng hạn như cách chúng ta đang hiểu hiện nay – chắc chắn người thời đó không ai chấp nhận được. Nhưng ngờ đâu cách không thể chấp nhận được ấy lại xẩy ra, và cách mà ai cũng nghĩ sẽ xảy ra và mong muốn sẽ xảy ra, trong thực tế đã không xảy ra!

Tương tự như thế, không hẳn hai câu Kinh Thánh 1Tm 2:5 và Cv 4:12 sẽ được ứng nghiệm đúng theo nghĩa đen của chúng.

Muốn hiểu Kinh Thánh, cần có tình yêu và lòng khiêm nhượng

Sự gì đã từng xảy ra trong lịch sử cũng có thể sẽ xảy ra trong tương lai. Do đó, chúng ta không nên chấp cứng vào thành kiến có sẵn của mình kẻo sẽ vấp phải những lầm lỡ tai hại như những người Do Thái xưa, lầm lỡ đến nỗi đã giết chính Con độc nhất của Thiên Chúa. Không khéo chúng ta sẽ vấp phải «hòn đá vấp phạm» (Is 28:16; Rm 9:33) của Thiên Chúa chỉ vì hiểu lời Chúa theo nghĩa đen.

Để hiểu Kinh Thánh, chúng ta cần phải có tình yêu và lòng khiêm nhường. Tính kiêu ngạo muốn đề cao cá nhân hay tập thể của mình, đồng thời muốn hạ thấp người khác, và tính thiếu yêu thương không muốn chia sẻ hạnh phúc và vinh quang của mình cho người khác hay tập thể khác có thể khiến người ta hiểu sai Lời của Thiên Chúa, Đấng vốn là Tình Yêu, Đấng không ưa những tâm tình kiêu căng (x. Lc 18:9-17), bè phái (x. Mc 9:38), Đấng thích mặc khải chân lý cho những tâm hồn khiêm nhường (x. Mt 11:25).

Phải có cùng một tâm tình, ý hướng với Đức Kitô, ta mới có thể hiểu đúng ý Ngài. Làm sao ta có thể hiểu đúng ý Ngài khi ta cứ muốn tôn mình lên, tôn tập thể của mình lên, đồng thời hạ thấp người khác xuống? hay khi trong vô thức, ta chỉ muốn Thiên Chúa ban cứu rỗi cho những người trong tôn giáo của mình thôi? Những tâm tình ích kỷ và kiêu căng như thế luôn luôn bị Đức Kitô kết án, Ngài luôn luôn kết án những kẻ thích kết án người khác (x. Mt 7:1; Lc 18:9-17), những kẻ không có lòng thương xót (x. Mt 18:23-35; 25:41-46).

Đấng Kitô trong các tôn giáo khác

Như vậy, theo cha Panikkar, Đấng Kitô phổ quát có thể tự biểu hiện một cách cá biệt trong các tôn giáo khác, để mặc khải và cứu độ con người một cách thích ứng và phù hợp với các nền văn hóa cá biệt của nhân loại. Do đó, các tôn giáo ấy cũng có thể là những tôn giáo tuy khác với Kitô giáo, nhưng cũng phát xuất từ Thiên Chúa. Vì thế, các tôn giáo cần phải đối thoại và tìm hiểu lẫn nhau để có một nhãn quan đầy đủ và đa diện hơn về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa không phải là một thực tại đơn diện (một mặt) để nhãn quan của một tôn giáo có thể bao trùm hết được. Nghĩ rằng những «chân lý» trong tôn giáo của mình có thể bao trùm được hết cả Thực Tại Thiên Chúa thì quả là «coi trời bằng vung», là thái độ «ếch ngồi đáy giếng». Thái độ đó là thái độ vô tình vũ nhục Thiên Chúa.

Kết luận

Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu rỗi. Nếu chỉ những ai tin vào Đức Giêsu Kitô mới được cứu rỗi, thì quả thật, ý muốn ấy của Thiên Chúa không thực hiện được, vì hiện nay, theo thống kê năm 2023, thế giới có trên 8 tỉ người (1*) nhưng số người mang danh là Kitô hữu chỉ có 2,38 tỉ (2*), tức 29,75%, tức chưa được 1/3 thế giới.

(*1) x. https://www.worldometers.info/world-population/)

(*2) x. https://worldpopulationreview.com/country-rankings/religion-by-country.

Việc chấp nhận 2/3 số người còn lại không được cứu mà bị phạt, xem ra không phù hợp với nhận thức chung (common sens) của con người. Chỉ những ai ít tình thương và ít bao dung mới dễ dàng chấp nhận điều ấy.

Vấn đề mấu chốt, đó là cách hiểu những lời trong Kinh thánh. Nếu hiểu theo nghĩa đen đồng thời coi lời Kinh Thánh chính xác chỉ có một ý nghĩa duy nhất tương tự như những định lý toán học, thì chắc chắn lập trường của cha Raimon Panikkar là không thể chấp nhận được. Nhưng nếu cho rằng không nên hiểu Kinh thánh theo nghĩa đen, mà phải đặt mình vào cùng một tâm tình, cùng một ý hướng với Đức Kitô để hiểu lời của Ngài, thì sẽ dễ chấp nhận lập trường của cha Panikkar.

Nguyễn Chính Kết


Comments

Popular posts from this blog

Audio Thanh Kinh Tin Lanh

Thánh Kinh Công giáo

Thanh Kinh Tin Lanh