Thực Tại Tối Hậu trong Triết Đông và Triết Tây

 

Thực Tại Tối Hậu
trong Triết Đông và Triết Tây

 

Hình trong trang https://histoire-image.org/etudes/fete-etre-supreme-20-prairial-ii-8-juin-1794 mô tả quang cảnh Vườn Quốc Gia và cách trang trí trong ngày lễ tôn vinh Đấng Tối Cao (hay Thực Tại Tối Hậu) tại Công trường Champ-de-Mars (Pháp) ngày 8 tháng 6 năm 1794.

Về Thực Tại Tối Hậu, giữa Triết Đông và Triết Tây có sự khác biệt căn bản này:

● Triết Đông thì coi Thực Tại Tối Hậu là một Thực tại siêu nghiệm, vượt khỏi mọi kinh nghiệm của con người, bất khả tư nghị, không thể quan niệm hay diễn tả bằng ngôn ngữ của con người được. Mọi từ ngữ của con người hầu như chỉ tương ứng với những thực tại mà con người kinh nghiệm được. Không một kinh nghiệm hay từ ngữ nào của con người tương ứng được với Thực Tại Tối Hậu cả. Giống như không một kinh nghiệm nào của người mù bẩm sinh về mầu sắc tương ứng với kinh nghiệm về màu sắc của người sáng mắt cả. Về vấn đề này, Lão Tử có một tuyên ngôn của Triết Đông : «Đạo khả đạo, phi thường đạo; Danh khả danh, phi thường danh».

Về nhận định «Danh khả danh, phi thường danh», trong sách Xuất Hành của Kinh thánh Kitô giáo, khi Môsê hỏi tên của Yavê để nói với dân chúng về Yavê, họ cần phải biết tên của Ngài. Khi Môsê hỏi tên Ngài, thì Yavê không xưng tên mà chỉ trả lời: «Ego sum», «I am», «Je suis», «Ta hiện hữu», vì Ngài không có tên nào cho con người cả. Vì thế, Môsê phải đặt tên cho Ngài là Yavê (nghĩa là «Đấng hiện hữu» như Ngài đã nói về bản chất của Ngài), chứ không phải Ngài tên là Yavê.

● Triết Tây thì quan niệm Thực Tại Tối Hậu có thể diễn tả và xác định chính xác được bằng ngôn ngữ của con người. Vì thế các nhà Thần học Kitô giáo, vốn chịu ảnh hưởng sâu nặng của Triết Tây, đã xác định Thiên Chúa thì thế này, thế kia, ai nói khác đi đều bị kết án là lạc giáo.

Những người thâm hiểu về Triết Đông thì sẽ coi những cách diễn tả và xác định «chắc như bắp» mô tả Thực Tại Tối Hậu là một chuyện ngây ngô, buồn cười.

Trước thực tại siêu nghiệm là Thực Tại Tối Hậu ấy, các tôn giáo là những phiên bản khác nhau nói về thực tại ấy. Con người có nhu cầu tâm linh là nhu cầu tìm hiểu và thông giao với Thực Tại Tối Hậu ấy. Trong các dân tộc với những nền văn hóa khác nhau, có những người đạt đạo, nghĩa là có kinh nghiệm hay thực chứng về Thực Tại Tối Hậu ấy và thông giao với thực tại ấy, nhờ đó trở nên bình an, hạnh phúc và có sức mạnh tâm linh phi thường. Khi nói về Thực Tại Tối Hậu mà mình giác ngộ và chứng nghiệm được với người khác, thì điều bất tiện là không có ngôn ngữ nào của con người thích hợp để diễn tả. Nhưng để giúp người khác hiểu được ít nhiều về thực tại ấy, người đã chứng nghiệm phải tạm sử dụng những ý niệm thông thường trong nền văn hóa của dân tộc mình để diễn tả thực tại siêu nghiệm ấy. Những người giác ngộ ấy thuộc nhiều dân tộc với nhiều nền văn hóa khác nhau, làm sao có thể diễn tả giống nhau về thực tại siêu nghiệm ấy được?

Nhất là những người giác ngộ ấy đâu phải người nào cũng giác ngộ được toàn thể Thực Tại Tối Hậu ấy, mà có người chỉ giác ngộ được phần nào thôi, người giác ngộ phần này, người giác ngộ phần khác...

Để dễ hiểu vấn đề này, ta có thể dùng một minh hoạ: Vì rất nhiều người tôn sùng Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu, nên người ta muốn vẽ hình hay tạc tượng Ngài để kính nhớ hay tôn sùng. Nhưng chẳng ai biết gương mặt Đức Mẹ ra sao, Ngài mặc quần áo thế nào, vì thời ấy chẳng ai chụp hình hoặc vẽ hay tạc tượng Đức Mẹ cả. Vì thế các nhà hoạ sĩ hay điêu khắc ở những dân tộc khác nhau với những nền văn hóa khác nhau đã vẽ hay khắc hình Đức Mẹ theo sự tưởng tượng của mình. Làm sao những hình hay tượng ấy giống nhau được? Thật là ngây ngô khi ông hoạ sĩ nổi tiếng nhất bảo rằng: Ai vẽ hay tạc tượng khác với hình hay tượng của tôi thì đều sai hết. Hình hay tượng của tôi mới đúng là dung mạo thật của Đức Mẹ.

Có điều người ta có thể biết về Đức Mẹ là Ngài đức hạnh, thương người, trong sạch, v.v... nên tất cả mọi hình hay tượng Đức Mẹ dù khác biệt nhau thì đều là hình phụ nữ dễ thương dễ mến, từ bi nhân hậu, và thường là phụ nữ rất đẹp. Tôi thì cho rằng Thiên Chúa không nhất thiết phải tạo dựng Đức Mẹ rất đẹp như các hình tượng người ta tạo, vì Thiên Chúa muốn Mẹ Đức Giêsu phải là người có tâm hồn tuyệt đẹp chứ không nhất thiết phải có một thân xác tuyệt đẹp đâu.

Cũng thế, những diễn tả về Thực Tại Tối Hậu của các nhà đạt đạo thuộc những dân tộc khác nhau với những nền văn hóa khác nhau không thể hoàn toàn giống nhau được, nhưng chắc chắn phải có những nét cốt yếu giống nhau. Những nét cốt yếu này mới chính là điều quan trọng mà những người muốn tìm hiểu hay tiến bộ về tâm linh phải nắm vững.

Nhưng rất tiếc là rất nhiều nhà thần học lại không coi là quan trọng những điều cốt yếu này, mà cứ quan trọng hoá những điều phụ thuộc, nên họ không sao nhìn thấy được sự nhất quán giữa các tôn giáo, nghĩa là các tôn giáo đều có chung những điều cốt yếu ấy.

Tuy nhiên, do nhu cầu hiểu biết của con người vốn đòi hỏi sự rõ ràng, cụ thể, nên những tôn giáo nào càng cụ thể hoá và xác định chắc chắn về Thực Tại Tối Hậu ấy thì càng thích hợp với đại đa số quần chúng nhân loại. Về nhu cầu này thì Kitô giáo lại là tôn giáo đáp ứng được cách tốt nhất. Và tôi nghĩ, đó là cách rất thích hợp để giúp phát triển tâm linh cho đại đa số nhân loại đang ở trong mức độ tâm linh hiện có. Nhưng khi trình độ tâm linh và nhận thức của nhân loại cao hơn, thì đại đa số nhân loại cần một cách mô tả về Thực Tại Tối Hậu thích hợp với trình độ tâm linh của họ thời ấy.

Điều rất quan trọng là chúng ta cần phải phân biệt giữa Chân Lý và cách diễn tả hay cách định thức của Chân Lý. Chân Lý thì duy nhất và bất biến, nhưng cách định thức về Chân Lý thì đa dạng và thay đổi tuỳ theo nhiều yếu tố: trình độ tâm linh, trình độ nhận thức, các nền văn hóa và triết lý nền tảng khác nhau...


Comments

Popular posts from this blog

Audio Thanh Kinh Tin Lanh

Thánh Kinh Công giáo

Thanh Kinh Tin Lanh